Mụn nhọt thường xuất hiện ở vùng da đầu, da dưới nách, mông… hoặc bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Mụn nhọt mọc ở nách rất thường gặp không chỉ gây đau nhức khó chịu mà còn có khả năng dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu mà bạn không nên coi thường.
Mụn nhọt là mụn gì?
Mụn nhọt là loại mụn chứa đầy mủ bên trong gây sưng đau, hình thành khi viêm nhiễm khuẩn (tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus) ở một hoặc nhiều nang lông. Mụn nhọt thường tập trung ở da đầu, mặt, cổ, dưới nách, mông, đùi hoặc bất kỳ vùng da nào trên cơ thể thường hay đổ nhiều mồ hôi hoặc ma sát. Nguyên nhân chính gây mụn nhọt là do nhiễm trùng nang lông. Các yếu tố như sức đề kháng thấp, chế độ ăn uống không phù hợp, người bệnh mắc các vấn đề về da (Mụn trứng cá, viêm da cơ địa, da dễ bị dị ứng), mắc bệnh tiểu đường, tiếp xúc với người bị nhọt hay nhọt độc… cũng có nguy cơ bị nổi mụn nhọt rất cao.
Mụn nhọt thường xuất hiện đột ngột, bắt đầu với vết sưng đỏ nhỏ như đinh ghim hay hạt đậu. Sau vài ngày, vết sưng sẽ to lên, vùng viêm đỏ lan rộng và gây sưng tấy xung quanh. Lúc này nhọt chứa đầy mủ, gây đau nhức và khó chịu. Sau đó, nhọt mềm dần rồi chuyển sang màu đỏ tím, tự vỡ và chảy dịch mủ màu vàng (đôi khi có ngòi xanh) ra ngoài kèm theo máu. Đối với những nhọt nhỏ có thể không để lại sẹo nhưng nếu là nhọt lớn, nhọt độc thì khả năng để lại sẹo là vô cùng lớn.
Mụn nhọt mọc ở nách không nên coi thường
Mụn nhọt mọc dưới nách không chỉ gây đau nhức mà khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Nếu không được điều trị đúng cách, mụn nhọt ở nách có thể gây bội nhiễm, lây lan sang các vùng da xung quanh. Nguy hiểm nhất là mụn nhọt gây nhiễm trùng máu và ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể và đe dọa tình mạng người bệnh. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng máu là hiện tượng ớn lạnh, tim đập nhanh, cảm giác mệt mỏi, sốt, rối loạn huyết áp và nhiệt độ cơ thể, tình trạng đông và chảy máu bất thường. Bạn có thể tự chăm sóc mụn nhọt tại nhà nếu đó là những nốt mụn nhỏ. Nhưng nếu đó là nhọt độc, sưng to, gây đau, sốt và kéo dài hơn 2 tuần thì hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và điều trị.
⇒Bạn nên đọc thêm : Bị mụn nhọt nên ăn gì và không nên ăn gì
Phòng ngừa và điều trị mụn nhọt như thế nào?
Để ngăn ngừa mụn nhọt, bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhẹ để loại bỏ vi khuẩn. Khi cơ thể chẳng may gặp phải các vết xước , vết cắt nhỏ thì hãy rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, bôi một lớp mỏng thuốc mỡ toa kháng sinh rồi bảo vệ bằng băng khô vô trùng. Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, dao cạo, quần áo… để hạn chế lây lan vi khuẩn.
Điều trị mụn nhọt tại nhà bằng cách chườm một chiếc khăn ngâm nước nước muối ấm lên vùng bị mụn nhọt nhiều lần mỗi ngày để giảm sưng đau và giúp nhọt nhanh vỡ hơn. Rửa vùng da bị nhọt 2-3 lần/ngày rồi bôi thuốc kháng sinh toa và quấn lại bằng băng mỏng. Tuyệt đối không ép nhọt hay chích nhọt để tránh viêm nhiễm lây sang các vùng da lận cận. Bạn cũng có thể dùng dầu cay chè thoa lên nốt mụn nhọt dưới nách giúp sát trùng, kháng viêm, giảm đau nhức khó chịu và giúp nhanh khỏi mụn. Trong trường hợp nhọt độc gây đau và kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ rạch dẫn lưu làm sạch mủ đúng kỹ thuật và bóc tách hoàn toàn vỏ bọc để ngăn chặn tái phát, giảm nguy cơ để lại sẹo.
⇒ Tham khảo thêm : Mẹo chữa mụn nhọt bằng cách đắp lá