Dùng kem trị mụn là phương pháp mà nhiều bạn lựa chọn để tiêu diệt các nốt mụn trứng cá. Tuy nhiên, bạn có thực sự hiểu rõ về các thành phần của kem trị mụn hay chưa? Tìm hiểu những công dụng và hạn chế của các thành phần phổ biến trong kem trị mụn dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp với làn da của mình.
Tìm hiểu về các thành phần của kem trị mụn 
Để điều trị mụn trứng cá, có nhiều phương pháp mà bạn có thể áp dụng bao gồm dùng thuốc trị mụn, dùng gel bôi ngoài da hay liệu pháp thiên nhiên… Trong đó, kem trị mụn là sản phẩm trị mụn thường mang lại hiệu quả nhanh, tiện lợi và dễ sử dụng nên được sử dụng rất phổ biến. Hầu như, các sản phẩm kem trị mụn trên thị trường hiện nay đều thuộc loại dược mỹ phẩm. Bạn có thể lựa chọn đề điều trị mụn một cách an toàn mà không cần bác sĩ kê toa.
Các thành phần thường thấy trong sản phẩm kem trị mụn bao gồm:
1- Benzoyl Peroxide
- Công dụng:
Benzoyl Peroxide là thành phần rất phổ biến trong nhiều sản phẩm trị mụn, đặc biệt là các loại kem trị mụn. Benzoyl Peroxide có khả năng tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.acnes) gây ra tình trạng viêm nhiễm trên da (mụn trứng cá). Đồng thời, hoạt chất này còn có khả năng kiểm soát việc sản xuất bã nhờn của tuyến dầu, giúp lỗ chân lông được thông thoáng và ngăn ngừa sự hình thành mụn mới.
- Hạn chế:
Tuy nhiên, sản phẩm này có một hạn chế là làm khô da, bong tróc da, kích ứng da khiến da bị đỏ nhẹ. Vì vậy, khi sử dụng kem trị mụn có Benzoyl Peroxide, bạn nên bắt đầu với nồng độ thấp (2.5% và 5%) thay vì dùng ngay nồng độ 10% và test thử một lượng nhỏ trên da để xem phản ứng của da như thế nào nhé.
Lời khuyên: Thích hợp với da dầu, da hỗn hợp bị nổi mụn bọc, mụn mủ. Da khô và nhạy cảm hạn chế sử dụng.
2- Salicylic Acid
- Công dụng:
Salicylic Acid là thành phần quan trọng có mặt trong nhiều loại kem trị mụn trứng cá hiệu quả. Salicylic Acid có đặc tính sát khuẩn mạnh, giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn, loại bỏ bã nhờn, làm sạch sâu ngăn ngừa bí tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, Salicylic Acid còn có tác dụng loại bỏ tế bào da chết, thúc đẩy tái tạo da mới, giảm hình thành nếp nhăn.
- Hạn chế:
Đôi khi, Salicylic Acid có thể gây ra hiện tượng tấy đỏ và kích ứng da nên bạn cần test một lượng nhỏ trên da trước khi sử dụng lâu dài.
Lời khuyên: Thích hợp với da dầu, da bị mụn (mụn cám, mụn đầu đen, mụn đỏ…) và vết thâm.
3- Retinol
- Công dụng:
Retinol hay Retin-A (Retinoids) có họ hàng với vitamin A với tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới nhờ kích thích sản xuất collagen. Hoạt chất này cũng có khả năng chống lão hóa da mạnh mẽ, kháng khuẩn, giảm sưng tấy, khiến nhân mụn nhanh già đi và phục hồi da hiệu quả. Bên cạnh đó, Retinol cũng giúp cải thiện tình trạng lỗ chân lông to, hạn chế tiết dầu, giảm nguy cơ hình thành sẹo mụn, thâm nám và nếp nhăn trên da.
- Hạn chế:
Retinol nhạy cảm với ánh nắng mặt trời nên được khuyến cáo không nên sử dụng vào ban ngày.
Lời khuyên: Thích hợp với da bị mụn trứng cá, có nhiều sẹo và vết thâm.
4- Sulfur (lưu huỳnh)
- Công dụng:
Lưu huỳnh vừa có khả năng sát vừa giúp chống viêm, thường được sử dụng để làm khô nhân mụn một cách nhanh chóng. Sulfur còn được kết hợp với các thành phần khác như Benzoyl Peroxide, Salicylic Acid, Acid Azelaic… để giúp loại bỏ các tế bào da chết, giảm thiểu dầu nhờn trên da và giúp cồi mụn bong nhanh.
- Hạn chế:
Sulfur có mùi đặc trưng khá khó chịu, thoang thoảng có mùi tanh nhẹ, có tác dụng tức thời chứ không có tác dụng lâu dài hoặc giúp phòng ngừa mụn.
Lời khuyên: Thích hợp với da khô và nhạy cảm bị mụn trứng cá.
5- Tea tree oil (tinh dầu trà)
- Công dụng:
Với khả năng sát khuẩn và chống viêm cực kì hiệu quả, tinh dầu trà có mặt trong rất nhiều sản phẩm trị mụn và chăm sóc da trên thị trường. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, giảm sưng tấy và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương mà không làm kích ứng da như Benzoyl Peroxide.
Xem hướng dẫn: Dùng tinh dầu tràm trị mụn và vết thâm tại đây.
- Hạn chế:
Có mùi đặc trưng nếu ai không chịu được sẽ thấy khó chịu.
Lời khuyên: Thích hợp cho những người có làn da bị mụn (mụn bọc, mụn mủ…) nhưng nhạy cảm với Benzoyl Peroxide.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng và mặt hạn chế của các thành phần có trong kem trị mụn. Từ đó, lựa chọn được những sản phẩm chứa thành phần phù hợp nhé.
Chúc bạn điều trị mụn thành công và sớm có làn da sạch mụn!